Nghị định 168 để phục vụ hay “tận diệt” dân?

Ngày 1/1, Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực và ngay lập tức đã gây ra nhiều tranh cãi về tính hợp pháp, minh bạch.

Với mục tiêu, để giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành luật pháp, Nghị định 168 với các biện pháp xử phạt nghiêm khắc, với mức phạt tiền tăng cao gấp hàng chục lần so với các quy định cũ, đã gây tâm lý bất ổn trong dân chúng.

Điều này, còn gây áp lực tài chính lớn đối với người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Mức phạt quá cao có thể tạo điều kiện cho tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông.

Trong khi, Bộ Công an đã loại bỏ việc giám sát công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình. Điều này sẽ dẫn đến sự bất nhất trong quy định, và có thể ảnh hưởng đến quyền giám sát của người dân. Nhất là, việc tăng mức phạt trong bối cảnh tham nhũng trong lực lượng cảnh sát giao thông còn phổ biến.

Việc áp dụng các biện pháp xử phạt “hà khắc” như, người điều khiển xe ô tô không bật xi nhan khi chuyển hướng xe thì sẽ bị xử phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, trong trường hợp gây tai nạn giao thông thì bị phạt từ 20 triệu đến 22 triệu đồng, hoàn toàn mang mục đích tận diệt tiền dân.

Công luận cho rằng, việc này có thể không đạt được mục tiêu giảm tai nạn giao thông, mà ngược lại, còn tạo thêm cơ hội cho cảnh sát giao thông vòi vĩnh tham nhũng.

Hơn nữa, theo giới chuyên gia, việc Nghị định 168 có hiệu lực chỉ sau 5 ngày kể từ ngày ban hành, là điều không phù hợp theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật năm 2015.

Theo đó, thời gian có hiệu lực của đối với văn bản của cơ quan trung ương, không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ban hành. Do thiếu thông tin và thời gian chuẩn bị, người dân có thể vô tình vi phạm các quy định mới, dẫn đến việc bị xử phạt một cách không công bằng.

Theo giới quan sát, vào ngày 1/1, có 20 Nghị định của Chính phủ có hiệu lực. Nhưng chỉ có Nghị định 168 và 176 có hiệu lực trong vòng vài ngày sau khi ban hành. Trong khi, các Nghị định còn lại như: về phí môi trường, nghĩa vụ quân sự… cũng được ban hành trước ngày có hiệu lực từ 45 đến 60 ngày theo đúng quy định.

Đây là điều được cho là với mục đích cố ý “hành dân” của Bộ Công an, nhằm tạo điều kiện cho lực lượng cảnh sát giao thông và nhiều lực lượng khác của ngành công an tràn ra đường để kiếm ăn. Điều này có thể gây bức xúc và mất niềm tin vào hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Điều đó càng củng cố thêm cho nhận định, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, và bộ tham mưu không có sự thảo luận kỹ lưỡng với giới chuyên gia, và những hậu quả chưa được tính trước ngay lập tức đã bộc lộ. Và với trường hợp Nghị định 168 về phạt vi phạm giao thông này, chắc chắn sẽ để lại những hậu quả không tốt.

Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định rõ bản chất của Nhà nước Việt Nam là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo mọi hoạt động đều minh bạch, công khai và chịu sự giám sát của nhân dân.

Cũng như các cơ quan Đảng và Nhà nước, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân và sự phát triển toàn diện của đất nước.

Dư luận xã hội mong đợi câu trả lời của Tổng Bí thư Tô Lâm, một lãnh đạo của Bộ Công an trước đây chưa lâu về nghị định số 168. Đây sẽ là thước đo quan trọng cho việc liệu chính quyền có thực sự đặt mục tiêu “lấy dân làm gốc” như đã hiến định trong Hiến pháp hay không?

Một chính sách pháp luật được xây dựng vì dân không chỉ cần hợp tình, hợp lý mà còn cần thể hiện được sự lắng nghe, và quan tâm đến tiếng nói của người dân – những người chịu tác động trực tiếp từ các quy định pháp luật.

 

Trà My – Thoibao.de