Sự “tài tình” của Nghị định 168

Ngày 13/1/2025, Blog Trần Đông A trên VOA Tiếng Việt bình luận “Nghị định 168: “Tài tình” đến thế là cùng!”.

Tác giả mỉa mai, “tài tình” thật! Cấm dân ghi hình công an mãi lộ, nhưng khuyến khích dân ghi lại các vụ vi phạm giao thông, nộp cho công an để nhận thưởng. Phải chăng công an phát động “chiến tranh nhân dân” để chống lại nhân dân?

Tác giả dẫn bài viết của Luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, cho rằng:

“Nghị định 168 đặt ra một thách thức lớn trong việc cân bằng giữa mục tiêu quản lý trật tự giao thông và quyền con người, quyền công dân. Các quy định trong Nghị định, nếu không được điều chỉnh, có thể vi phạm Hiến pháp và gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng…”

Theo tác giả, Nghị định 168 có thể vi hiến như nhận xét của Luật sư Khanh, hay phản ánh đặc trưng “thích áp dụng luật rừng” như lời cố Luật sư Ngô Bá Thành. Cả 2 đều nói lên bản chất khó chối bỏ của Cộng sản.

Nghị định 176/2024/NĐ-CP về việc thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức cung cấp thông tin về hành vi vi phạm giao thông, được coi là “chính sách khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”. Nhưng đằng sau nó là cả một khối mâu thuẫn lớn đáng suy ngẫm.

Tác giả cho rằng: Nghị định này là biểu hiện rõ nét nhất của nền quản lý nơm nớp lo sợ sự giám sát quyền lực của người dân, nhưng lại lợi dụng chính người dân để giám sát lẫn nhau.

Một mặt, người dân “được khuyến khích” giám sát lẫn nhau. Mặt khác, quyền giám sát quyền lực – một nguyên tắc quan trọng của xã hội dân chủ – lại bị tước bỏ. Đây là biểu hiện rõ ràng của cơ chế quản lý sợ hãi sự minh bạch và công khai, nhưng lại không ngần ngại thao túng và lợi dụng người dân, để duy trì trật tự theo cách của mình.

Tác giả nhận định, Nghị định 168 phản ánh trần trụi cách mà chính quyền đang vận hành một thể chế bào mòn đạo đức xã hội. Hệ lụy nhãn tiền là một môi trường xã hội thiếu lành mạnh, nơi người dân bị đẩy vào thế đối lập, nghi kỵ và tố giác lẫn nhau, để đổi lấy lợi ích vật chất. Trong khi, những sai phạm của lực lượng thực thi pháp luật lại được “miễn nhiễm”, trước sự giám sát của người dân.

Câu chuyện này mở ra một cánh cửa, để nhìn vào bản chất vận hành của một hệ thống sợ hãi sự thật, căm ghét tính minh bạch và ưa thích dối trá. Đồng thời, nó tạo ra những hệ lụy nguy hiểm, làm băng hoại đạo đức và làm tan rã những giá trị cốt lõi của xã hội.

Tác giả dẫn bình luận của Facebooker Thái Hạo, rằng:

“Việc cho người dân báo cáo vi phạm giao thông của nhau để lĩnh thưởng, mà nhiều người gọi là “đấu tố”, là hết sức phải thận trọng, vì nó sẽ dẫn tới những hệ lụy rất lớn về nhân cách và văn hóa, có nguy cơ làm băng hoại đạo đức xã hội. Người dân thấy có ai đó cố tình vi phạm giao thông và đang có nguy cơ gây nguy hiểm cho người khác thì nên báo cho cơ quan chức năng để ngăn chặn, đó là trách nhiệm, nhưng dứt khoát không nên “treo thưởng”.”

Nickname “Đồng Điếu” dưới bài viết của Thái Hạo cho rằng, Nghị định 168 là ác ý, vì luật phải dựa trên mức sống của người dân. Khi lương cơ sở chỉ có 2,34 triệu, mà phạt lỗi nào cũng từ 4 đến 6 triệu, ô tô phạt tới 18 – 20 triệu, thì quá vô lý. Trong khi, hệ thống đường xá thì nhỏ và nhiều bất cập, biển báo thì sai sót, đèn hiệu thì lỗi… người dân làm sao có thể tránh được tất cả các lỗi giao thông.

Tác giả kết luận, hiếm có Nghị định Chính phủ nào vừa ký chưa ráo mực, mà người dân đã rần rần phản đối như thế này. Hàng loạt status trên các mạng đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của tính minh bạch và yếu tố giáo dục, thay vì kiểm soát và áp đặt.

Tăng mức phạt như hiện nay quả là bất nhẫn!

 

Xuân Hưng – thoibao.de