Việc áp dụng Nghị định 168 trong vòng nửa tháng đầu năm 2025, đã làm gia tăng tình trạng kẹt xe cả ngày lẫn đêm, ở các đô thị lớn trên cả nước. Đáng chú ý, các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra kẹt xe nghiêm trọng trong nhiều giờ.
Đây là lý do, trong nhiều ngày nay, trên mạng xã hội xuất hiện các khuyến cáo: Ai ở trung tâm thành phố cần ra sân bay, hãy đi trước từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ.
Nhiều ý kiến thấy rằng, nếu còn quy định cấm rẽ phải khi đèn đỏ, thì có lấy hết vỉa hè để mở rộng đường cũng vẫn kẹt xe. Tại sao trên thực tế, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng và phức tạp thời gian qua.
Trong khi người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng Nghị định 168. Do đó, việc ùn tắc kéo dài trên diện rộng nguyên nhân không phải do ý thức của người tham gia giao thông, mà chính là do hạ tầng giao thông quá yếu kém, không được đầu tư đúng mức, cộng với các chính sách bất cập của ngành công an.
Theo giới chuyên gia, việc sử dụng các biện pháp chế tài như phạt hành chính là điều cần thiết. Tuy nhiên, muốn áp dụng được như thế thì đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải tốt, phải đồng bộ, các biển báo, tín hiệu giao thông phải rõ ràng, dễ nhận biết.
Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều đèn tín hiệu, biển báo giao thông ở một số nơi không được rõ ràng, và không hợp lý. Thậm chí có thể còn có khuynh hướng bẫy người tham gia giao thông. Không biết là vô tình hay cố ý?
Với tình trạng như hiện nay mà vẫn chỉ duy trì chính sách phạt nặng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và người nhân vì nạn ách tắc giao thông.
Việc đột ngột tăng mức phạt vi phạm giao thông từ vài lần đến vài chục lần, mà không hề thực hiện bất kỳ biện pháp chuẩn bị, hay thử nghiệm nào trước đó, chỉ tăng thêm sự bất an, bất bình trong dân chúng, vốn đã bức xúc còn bức xúc hơn.
Đây chính là lý do, người dân ở các đô thị lớn mỗi khi ra đường mang theo tâm lý của kẻ sắp phạm tội. Ai ai cũng bồn chồn, lo sợ vì cạm bẫy của công an ở khắp nơi.
Chức năng của cảnh sát giao thông là hướng dẫn, tạo điều kiện giúp người tham gia giao thông di chuyển đúng quy định, tránh phạm luật, nhưng dứt khoát không phải là một lực lượng “kiêu binh”, chỉ biết tìm đủ mọi cách, mọi sơ hở của người dân để phạt thu tiền.
Công luận thấy rằng, vì sao không xóa bỏ những điều khoản bất hợp lý, không khoa học trong Nghị định 168/2024/NĐ–CP? Cũng như, xem xét nghiên cứu những cái hay của các nước trên thế giới đã làm thì ta nên học theo và vận dụng sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Quan trọng hơn phải xóa bỏ tư duy giữ lại tỷ lệ phần trăm trong mức thu tiền phạt cho Bộ Công an, cũng như tuyệt đối không để tình trạng tiêu cực nhằm kiếm “bánh mì” của lực lượng cảnh sát giao thông.
Đây là những vấn đề mấu chốt nhất, và dễ dàng nhất, từ đó sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân.
Tỷ phú Elon Musk đã từng khẳng định, một nhà nước càng thối nát, càng đẻ ra lắm thứ luật lệ vô lý. Với những chính sách không hợp lòng dân như hiện nay cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quá dung túng cho Bộ Công an để hành dân.
Tuy nhiên, để kiểm soát và kiềm chế được quyền lực của ông Tô Lâm giai đoạn hiện nay là vấn đề nan giải. Nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là, đã đến lúc phải nhốt quyền lực của ông Tô Lâm vào lồng cơ chế.
Phải như vậy, thì may ra cuộc sống của người dân Việt Nam mới dễ thở hơn, vì những chính sách tận thu thời ông Tô Lâm hiện nay đã đi ngược lại lợi ích của dân và không hợp lòng dân.
Trà My – Thoibao.de