Giấu Tô Long, liệu Tô Lâm có đi vào “vết xe đổ” của Nguyễn Phú Trọng?

Tô Long – con trai ông Tô Lâm, hiện mang cấp hàm Thượng tá, giữ chức Tổng cục phó Tổng cục An ninh đối ngoại, được xem là hạt giống đỏ mạnh nhất hiện nay. Ấy vậy mà, cho tới nay, ông Tô Lâm vẫn bảo vệ Tô Long trong “két sắt” một cách an toàn, không mang ra dùng.

Ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng bước đưa con trai là Nguyễn Thanh Nghị vào con đường chính trị. Có lúc, tưởng chừng như ông Nghị gục ngã, đặc biệt là vào năm 2020, khi ông Nghị bị kết luận có sai phạm về đất đai, và sau đó bị thuyên chuyển khỏi Kiên Giang, “giáng chức” xuống làm Thứ trưởng. May cho ông Nghị là đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính cứu vớt, đưa lên ghế Bộ trưởng, để bước vào đường đua.

Đoạn đứt gãy quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng là khoảng thời gian từ 2016 đến 2024. Lúc đó, ông Dũng không thể công khai ra mặt, vận động cho ông Nghị, khiến ông Nghị suýt phải chịu chung số phận như ông Nguyễn Xuân Anh – cựu Bí thư Thành uỷ thành phố Đà Nẵng. Thời gian ông Dũng rơi vào đoạn đứt gãy quyền lực, cũng là lúc ông Nghị khó khăn vất vả nhất.

Sau khi ông Nghị du học trở về, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nhanh chóng đẩy con trai vào bộ máy chính quyền. Ông Nghị từng đi theo con đường của tổ chức Đảng, tham gia Đảng uỷ thành phố Hồ Chí Minh, dự định từ đó ra Trung ương. Nhưng ông đã thất bại, vì sự ngăn cản của Hai Nhật – Lê Thanh Hải. Ngay sau đó, ông Dũng bốc ông Nghị bỏ vào Trung ương Đảng, mà không cần cơ sở giới thiệu. Dù được bảo bọc như vậy, nhưng ông Nghị cũng có lúc tưởng chừng gãy cánh.

Hiện nay, ông Tô Lâm cũng có “quý tử”, đang ở tuổi tập tành bước vào chính trường. Nếu ông Tô Lâm không tranh thủ đẩy Tô Long vào bệ phóng, thì e rằng, Tô Long sẽ phải vất vả về sau, tương tự Nguyễn Thanh Nghị. Lúc còn ở đỉnh cao quyền lực, những tưởng, không ai có thể chèn ép được ông Ba Dũng. Nhưng không ngờ, ông Trọng lại nổi lên như khắc tinh, khiến sự nghiệp chính trị của gia tộc Ba Dũng gặp không ít khó khăn.

Hồi tháng 7/2024, nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, ông Tô Lâm dự tính đưa con trai về làm Giám đốc Công an Hải Dương – nơi được xem là cái nôi chính trị của ông Tô Quyền – ông nội Tô Long. Tuy nhiên sau đó, không hiểu sao, ông Tô Lâm lại chần chừ. Có lẽ, ông sợ điều tiếng chăng?

Ông Nguyễn Phú Trọng có một người con trai, tên là Nguyễn Trọng Trường. Ông Trường gần như bị khuất lấp hoàn toàn, sau cái bóng của người cha. Ông Trọng không nâng đỡ cho con trai, và đến nay, ông Trường đã không còn cơ hội nào để gia nhập chính trường, vì người bố quyền lực của ông đã mất.

Chế độ này công khai việc cha truyền con nối. Nguyễn Tấn Dũng có Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết. Trần Đức Lương có Trần Tuấn Anh. Nguyễn Xuân Phúc có Nguyễn Xuân Hiếu vv… Và rất nhiều người khác đều tranh thủ bày ra quan lộ cho con cái. Thế hệ sau sẽ càng cạnh tranh khốc liệt hơn thế hệ trước, bởi số lượng thành viên của thế hệ sau thường đông hơn.

Nếu Tô Long không được bố trí vào các vị trí triển vọng, trong thời gian ông Tô Lâm cầm quyền, thì rất có thể, cơ hội sẽ qua đi, và khi đó ông Tô Lâm sẽ đi theo vết xe đổ của ông Trọng.

Cũng có thông tin, Tô Long chưa trưởng thành, vì vậy mà ông Tô Lâm đang phải cân nhắc? Được biết, Tô Long cũng được du học trời Tây với chi phí đắt đỏ, nhưng lại không bố trí đúng chuyên ngành, mà được ông Tô Lâm đưa vào Bộ Công an “ẩn mình” chờ thời. Không biết, có phải ông Tô Lâm đang chờ cho con trai trưởng thành hơn, rồi mới bố trí công việc, hay đang chờ chọn vị trí béo bở rồi giao việc?

Con đường chính trị của Tô Lâm đầy bạo lực. Cho nên, ông cần một người tin cậy, để bảo vệ ông về sau khi hết quyền lực. Người đó không ai khác ngoài Tô Long. Ngay cả ông Lương Tam Quang cũng không thể tin tưởng 100% được.

 

Trần Chương – Thoibao.de